Kĩ năng sống cho trẻ: Cảnh giác trước người lạ

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội thì kĩ năng sống của trẻ cần được chú ý và quan tâm. Xã hội càng hiện đại càng tiềm ẩn nhiều mối nguy nên bố mẹ không nên sợ hãi tìm cách ngăn cấm con trước các rủi ro mà cần kiên nhẫn và khéo léo để dạy trẻ những kỹ năng tự vệ thiết thực. Và để trẻ có thể tự bảo vệ mình khi ra khỏi nhà hay tiếp xúc với người lạ, bố mẹ nên dạy trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non.

  1. Dạy trẻ tuyệt đối không đi theo người lạ: trường hợp bé bị lạc ở trung tâm mua sắm hay ở khu vui chơi đông người thì bé nên đến gặp ngay chú bảo vệ hoặc cô bán hàng để nhờ họ loa thông báo, sau đó ngoan ngoãn đứng chờ bố mẹ đến. Tuyệt đối không đi theo bất cứ người nào, dù họ có nói sẽ giúp đi tìm bố mẹ. Trường hợp lạc ngoài đường, bé hãy mượn điện thoại người đi đường hoặc chú công an để gọi cho bố mẹ. Dạy trẻ cần bình tĩnh, không khóc hay chạy lung tung mà đứng yên tại chỗ để chờ, vì bố mẹ có thể quay lại tìm.
  2. Dạy trẻ không nhận quà bánh của người lạ: đề phòng những món bánh kẹo có tẩm thuốc mệ. Bố mẹ dạy trẻ không nhận bất cứ món quà nào từ người lạ bằng những câu nói khéo léo “bố mẹ cháu không cho phép nhận đâu ạ”. Sau đó, trẻ nên tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ để tránh người kia tiếp tục dụ dỗ, nếu người đó cứ báo theo bắt bé ăn thì phải quẫy đạp và hét thật to để mọi người đến cứu
  3. Dạy trẻ không được tin vào người lạ: nếu có người lạ đến đón trẻ và tự nhận là bạn của bố mẹ, họ biết rõ về tên cũng như số điện thoại của bố mẹ, thậm chí là trẻ nhận ra họ là người hàng xóm thì trẻ cũng phải báo ngay cho cô giáo để cô gọi cho bố mẹ để xác nhận xem có đúng là họ được nhờ đến đón trẻ không?

Ngoài ra, bố mẹ cần dạy trẻ hiểu được quyền không bị xâm hại cơ thể mình, hiểu được những bộ phận kín trên cơ thể, không ai có quyền động chạm đến (trừ cha mẹ khi giúp con làm vệ sinh, tắm rửa và thầy thuốc khi thăm khám). Có nhiều trẻ bị lạm dụng tình dục vì chưa hiểu biết, đây là một vấn đề quan trọng mà bố mẹ cần trang bị cho trẻ ngay khi còn nhỏ. Để rèn luyện kỹ năng cho trẻ, hàng ngày, bố mẹ nên cùng con chơi những trò tình huống, sắm vai, bố mẹ hãy đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh khó khăn (lúc lạc đường, khi bị người lạ rủ đi chơi, khi ở nhà một mình và có sự cố xảy ra…). Cha mẹ đều có thể biến những câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông thành bài học chia sẻ với trẻ, giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì, vì sao bạn đó bị như thế.

Dù bận rộn thế nào, hàng ngày cha mẹ cũng phải dành thời gian để trao đổi, lắng nghe trẻ nói, trao đổi với trẻ những điều đang xảy ra trong cuộc sống, chia sẻ cảm xúc và cảm nhận cùng trẻ.

Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình cực kỳ quan trọng nên bố mẹ phải bắt tay ngay, thực hiện luôn từ khi trẻ con nhỏ, chứ không phải thụ động đến khi mọi sự xảy ra rồi mới lo lắng cuống cuồng. Để dạy được con, cha mẹ cần kiên nhẫn từng ngày, rất kỳ công chứ không chỉ là dặn dò suông.


bài viết khác